DOANH NGHIỆP NHẬT BẢN CẦN GÌ Ở SINH VIÊN TỐT NGHIỆP?

Doanh nghiệp Nhật Bản không đòi hỏi nhân viên phải thông minh xuất chúng mà cần người biết thích ứng nhanh với sự thay đổi.

Trong bài giảng về hình mẫu sinh viên tốt nghiệp mà doanh nghiệp Nhật Bản trông đợi ngày 16/6, ông Toshiaki Koshimura, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cho Chính phủ Nhật Bản về việc xúc tiến dự án Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội), khẳng định doanh nghiệp không đòi hỏi phải có nhân viên quá thông minh, xuất chúng.

Từng là Chủ tịch Tập đoàn Tokyu, có nhiều kinh nghiệm trong tuyển dụng, ông Koshimura cho rằng điều tiên quyết doanh nghiệp Nhật cần ở nhân viên là khả năng thích ứng nhanh. Lý do là sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế. Từng hai lần khủng hoảng dầu lửa, Nhật Bản phải phát triển công nghệ tiết kiệm năng lượng, tức là môi trường kinh doanh luôn thay đổi.

Kể lại câu chuyện Nhật Bản xây nhà máy điện hạt nhân với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu nhưng vẫn gặp sự cố sau thảm họa sóng thần năm 2011 do không khảo sát địa chất đầy đủ, ông Koshimura nhắc nhở sinh viên cần tìm hiểu kỹ mọi vấn đề để tìm cách thích ứng khi cần thiết.

doanh-nghiep-nhat-ban-can-gi-o-sinh-vien-tot-nghiep

Ông Toshiaki Koshimura khẳng định doanh nghiệp Nhật Bản cần những nhân viên có khả năng thích ứng. Ảnh: Dương Tâm

Ở góc độ cá nhân, ông Koshimura cho rằng để thành công trong doanh nghiệp Nhật Bản, sinh viên phải trang bị kiến thức liên quan đến luật quản lý lao động, luật kế toán tài chính và một số loại khác. Đây là kiến thức hữu ích, không thể thiếu khi làm cho doanh nghiệp Nhật.

“Khi thăng tiến lên cấp quản lý hay điều hành công ty, bạn phải quản lý nhiều nhân viên và phòng ban hơn, kiến thức xã hội phong phú, khả năng đối nhân xử thế tốt sẽ giúp có nhiều đối tác hơn”, ông nói và cho rằng kiến thức khai phóng sâu rộng sẽ giúp một người làm tốt công tác quản lý.

50 năm gắn bó với một tập đoàn kinh tế lớn, ông Koshimura nhấn mạnh yếu tố quan trọng khác mà sinh viên cần có để làm việc trong doanh nghiệp Nhật là năng lực giao tiếp, tính chủ động, khả năng phán đoán và giải quyết vấn đề một cách linh hoạt. Các doanh nghiệp Nhật luôn luân chuyển vị trí trong công việc, từ nhân viên lên quản lý rồi đến giám đốc chi nhánh. Họ còn có một quy chế chức danh để các cán bộ tiềm năng được đào tạo và có thể sang Nhật làm việc. Do đó, việc thành thạo tiếng Nhật để giao tiếp là rất quan trọng.

“Đặc biệt, nếu đặt mục tiêu trở thành nhà quản lý kinh doanh, bạn cần có thêm năng lực quản lý rủi ro bao gồm những rủi ro về thảm họa thiên nhiên, về mặt luật pháp và mặt vận hành”, ông Koshimura nói.

Theo diễn giả này, kiến thức học được trong nhà trường và năng lực ứng dụng cần thiết ngoài xã hội không nhất thiết phải trùng khớp với nhau. “Có phát huy năng lực lãnh đạo trong tổ chức, có thành công như một nhà lãnh đạo không còn tùy thuộc vào năng lực ứng biến với sự thay đổi từng ngày của môi trường doanh nghiệp, môi trường toàn cầu”, ông nhận định.

Năng lực giải quyết vấn đề có thể được trau dồi từ sách, những người bạn hay những chuyến đi. Và năng lực phán đoán được hình thành không chỉ bằng kiến thức chuyên môn mà còn bằng kiến thức giáo dục khai phóng như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn hóa, lịch sử cận đại, âm nhạc hay nghệ thuật.

Nói về tầm quan trọng của kiến thức giáo dục khai phóng, ông Koshimura lấy ví dụ khi còn giữ chức lãnh đạo tập đoàn Tokyu, ông nhận được đề nghị về kế hoạch đầu tư đường sắt đô thị tại một đất nước thuộc khu vực trung cận đông. Tuy nhiên, ông quyết định không đầu tư vì biết rõ khu vực này thường xuyên xảy ra xung đột về tôn giáo và dân tộc.

“Tôi muốn thông qua câu chuyện này để nói với các bạn rằng kiến thức lịch sử cận đại tuy không được đưa nhiều trong sách giáo khoa, nhưng nếu  chịu khó tìm hiểu, nó sẽ giúp ích cho các bạn khi cần đưa ra quyết định kinh doanh bền vững trong tương lai”, ông Koshimura chia sẻ.

Nguồn vnexpress