VẤN ĐỀ LỚN NHẤT VỚI SINH VIÊN LÀ NGOẠI NGỮ

Các nhà tuyển dụng nói ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp vẫn là rào cản lớn với nhiều sinh viên, dù họ tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu.

Sáng 16/4, hội trường lớn Đại học Bách khoa Hà Nội chật kín sinh viên tới Ngày hội việc làm 2023. Gian hàng của 27 doanh nghiệp thu hút nhiều sinh viên tới đăng ký hoặc được nhà tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp.

Nguyễn Quang Chiến, sinh viên năm thứ tư, ngành Tự động hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội, khấp khởi rời khỏi gian hàng của một công ty sản xuất linh kiện điện tử. Chiến vừa có cuộc phỏng vấn sơ bộ cho vị trí ở phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm và phòng thông số.

“Phía nhà tuyển dụng cho biết sẽ sắp xếp một cuộc phỏng vấn chính thức vào đầu tháng 5”, nam sinh nói, cho biết đây là công ty thứ hai em tìm đến.

Dù vậy, nam sinh thừa nhận thiếu tự tin khi được hỏi về khả năng tiếng Anh, Hàn hoặc Trung, và một số công cụ phần mềm. Chiến cho rằng vẫn đang trau dồi thêm điều này.

Tự tin với tấm bằng giỏi và kiến thức chuyên ngành chắc chắn song ngoại ngữ cũng là trở ngại của Nguyễn Văn Chính, vừa tốt nghiệp ngành Kỹ thuật ôtô, Đại học Bách khoa. Chính phải nói tiếng Anh khi trả lời phỏng vấn cho vị trí kỹ sư cơ khí của một công ty Hàn Quốc ở Vĩnh Phúc.

Nhà tuyển dụng yêu cầu Chính giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh, hỏi về thành tích học tập đạt được và chứng chỉ ngoại ngữ.

“Em hơi lo lắng”, Chính nói, cho biết được hẹn đến nhà máy vào tuần sau nhưng đang bối rối vì “chỉ giao tiếp được ở mức cơ bản”.

ông Sean Ma, Giám đốc Công ty LINK Việt Nam, giới thiệu với sinh viên về hoạt động của công ty trong ngày hội việc làm sáng 16/4 tại Hà Nội. Ảnh: Bình Minh

ông Sean Ma, Giám đốc Công ty LINK Việt Nam, giới thiệu với sinh viên về hoạt động của công ty, sáng 16/4 tại Hà Nội. Ảnh: Bình Minh

Các nhà tuyển dụng nhận định ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp là những thiếu sót của phần lớn sinh viên ở nhiều trường đại học.

Bà Trần Thị Trang, Trưởng bộ phận tuyển dụng của Công ty Huyndai Kefico Việt Nam, cho biết khi hỏi về tầm quan trọng của tiếng Anh, các sinh viên đều trả lời có biết nhưng lấy lý do không có thời gian để học. Nhiều bạn nghĩ vào các doanh nghiệp nước ngoài để có môi trường học tiếng Anh nhưng thực tế doanh nghiệp tuyển người vào để làm việc, không phải để dạy nghề. Do đó, khi đến phỏng vấn, ứng viên cần đạt những yêu cầu tối thiểu.

“Vấn đề tôi thấy cần phải tập trung nhất với sinh viên bây giờ là ngoại ngữ”, bà Trang nhận xét.

Ông Sean Ma, Giám đốc Công ty LINK Việt Nam chuyên cung cấp giải pháp tự động hóa có cùng quan điểm. Theo ông Sean, công ty làm việc nhiều với chuyên gia nước ngoài nên đương nhiên cần nhân sự biết ngoại ngữ. Ông sẽ bị thu hút nếu hồ sơ của ứng viên được viết bằng tiếng Anh, có đầy đủ thông tin và dự án tham gia.

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tới đăng ký phỏng vấn và nghe giới thiệu về công ty tại một gian hàng trong ngày hội việc làm sáng 16/4. Ảnh: Bình Minh

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nghe giới thiệu về cơ hội việc làm ở doanh nghiệp, sáng 16/4. Ảnh: Bình Minh

Ngoài ra, nhiều sinh viên vẫn chủ yếu vùi đầu vào học, nghĩ rằng ra trường với tấm bằng loại ưu là xin việc dễ dàng. Tuy nhiên, kỹ năng giao tiếp, xử lý vấn đề, thái độ với công việc cũng là điều mà nhà tuyển dụng đặc biệt quan tâm.

“Các bạn chỉ có 15-20 phút thể hiện trước nhà tuyển dụng, nếu kỹ năng giao tiếp không tốt, không thể hiện được những gì bạn có thì sẽ rất khó để qua được vòng phỏng vấn”, bà Trang phân tích.

Theo bà, giữa một sinh viên tốt nghiệp loại ưu và một sinh viên có bằng khá nhưng kỹ năng mềm tốt, chắc chắn doanh nghiệp sẽ chọn người thứ hai. Lý do là khi đi làm, ứng viên phải làm việc nhóm. Nếu không giao tiếp tốt với các thành viên, công việc không hoàn thành được.

Trong các lần phỏng vấn ứng viên, ông Sean cũng nhận thấy nhiều người còn ngại ngùng, không dám thể hiện bản thân khi trò chuyện với nhà tuyển dụng.

“Điều này khiến chúng tôi cân nhắc nếu tuyển vào, liệu bạn ấy có đảm nhiệm được nhiệm vụ hay không”, ông Sean chia sẻ.

Ông Yoshiyuki Waiki, Giám đốc nhà máy Nikkisco chuyên sản xuất linh kiện máy bay cho Boeing, Airbus thì cần người năng động, nhiệt huyết và thái độ tốt.

“Kỹ năng mềm cũng tốt nhưng thái độ quan trọng hơn. Nếu được nhận vào nhưng bạn không nhiệt tình trong công việc thì cũng không mang lại năng lượng tích cực cho công ty”, ông Yoshiyuki nói.

Ngoài ra, ông cũng quan tâm tới ứng viên biết cách xử lý vấn đề. Công ty sản xuất dựa trên bản vẽ của sản phẩm, vì thế những sinh viên có thể đọc hiểu bản vẽ Autocard sẽ được đánh giá cao.

“Chúng tôi muốn tuyển sinh viên làm được việc chứ không dựa vào tấm bằng loại gì”, ông Yoshiyuki nói.

                                                                                                     Theo vnexpress.net