NHỮNG ĐIỀU CẦN HỌC VỀ PHÁT ÂM TIẾNG ANH

Có nhiều nội dung cần học về phát âm tiếng Anh, gồm học về âm, trọng âm, nói theo cụm, nói đúng giai điệu, ngữ điệu, và giảm âm, nối âm, nuốt âm, biến âm.

Phát âm tiếng Anh là học cách nói của người bản xứ (Anh hoặc Mỹ). Lý do là, trên thế giới có rất nhiều người nói tiếng Anh, nhưng họ đều hướng đến một “chuẩn”, đều học tiếng Anh từ một nguồn: giọng Anh Anh hoặc Anh Mỹ.

Mà cách nói tiếng Anh của người bản xứ khác rất nhiều với cách nói tiếng Anh của người Việt, nên để phát âm tiếng Anh chuẩn, bạn cần hiểu rõ: người bản xứ phát âm khác với người Việt Nam ở chỗ nào.

Ảnh: Quang Nguyen

Ảnh: Quang Nguyen

Phát âm tiếng Anh bao gồm học về âm (sounds), trọng âm (word stress), nói theo cụm (thought groups), nói đúng giai điệu hay trọng âm câu (rhythm hoặc sentence stress), ngữ điệu (intonation), và giảm âm (reduction), nối âm (liaison hay connected speech), nuốt âm (elison), biến âm.

1. Âm trong tiếng Anh

Bảng phiên âm tiếng Anh (IPA): Hầu hết các âm tiếng Anh đều không tồn tại trong tiếng Việt. Do đó, khi học phát âm, bạn phải học âm của tiếng Anh (IPA) để khi nói tránh bị hiểu nhầm. Tiếng Anh-Mỹ bao gồm 43 âm, tiếng Anh-Anh thì bao gồm 44 âm.

Bên cạnh việc không phát âm IPA chuẩn, có ba vấn đề thường gặp khiến người Việt phát “âm” sai: Âm cuối (ending sounds): play, plays, played…; Cụm âm (sound cluster), ví dụ như /tr/ trong “train”, âm /θr/ trong “three”. Cách để sửa là phải luyện tập và lưu ý, đừng đọc là “thờ-ri” chẳng hạn; Chữ cái không được phát âm (silenced letter), ví dụ chữ b trong từ “climb”, chữ u trong từ “build”, chữ or trong từ “comfortable”. Người Việt hay phát âm dựa vào mặt chữ, do đó, bị sai phát âm rất nhiều, đặc biệt là các chữ không được phát âm.

2. Trọng âm

Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm tiết, tiếng Anh thì có từ đa âm tiết, cho nên bạn phải học trọng âm tiếng Anh thật cẩn thận.

Tiếng Việt không có âm tiết nào không được nhấn, cho nên “purchase” mình đọc là “pơ-chết”, Mỹ không hiểu được. Đọc đúng thì “purchase” bao gồm 2 âm tiết, “PUR-” được nhấn và “-chase” không được nhấn.

Trọng âm bao gồm 2 nội dung chính: (1) biết trọng âm của từ nằm ở đâu; và (2) biết cách nhấn trọng âm cho chính xác, đặc biệt là “giảm nhấn” (de-stress) các âm tiết không được nhấn.

3. Giai điệu hay trọng âm câu (rhythm or sentence stress)

Trong một câu có vài từ được nhấn, thường là từ có ý nghĩa (content words). Ví dụ, trong câu: “HOW OLD are you?” thì nhấn từ “HOW” và đặc biệt là “OLD” trong khi làm giảm từ “are” và “you”.

Nhấn từ và nhả từ không được nhấn (còn gọi là “nói nhấn nhá”) tạo ra “âm nhạc”, hay “giai điệu” của ngôn ngữ. Nó không chỉ giúp bạn nói “hay” hơn mà còn rõ ràng hơn, dễ hiểu hơn.

Thầy Quang Nguyen. Ảnh: NVCC

Thầy Quang Nguyen. Ảnh: NVCC

4. Nói theo cụm (“thought groups” hay “chunk of words”)

Khi nói tiếng Anh (cũng như tiếng Việt), chúng ta thường nói theo cả 1 cụm để người nghe dễ hiểu và tránh hiểu lầm. Ví dụ, nếu nói: “I love her, mother” và “I love her mother” thì nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Có một chuyện vui rằng, một giáo sư viết lên bảng câu này: “a woman without her man is nothing” và yêu cầu các sinh viên thêm dấu. Các sinh viên nam thì viết: A woman, without her man, is nothing (một người phụ nữ thiếu người đàn ông của cô ấy thì chả là gì); Các nữ sinh viết: A woman, without her, man is nothing (một người đàn ông thiếu phụ nữ thì chả là gì).

Thông thường, khi bạn nói sai “cụm” đơn giản là người nghe không hiểu được.

5. Ngữ điệu trong tiếng Anh (intonation)

Trong giao tiếp, đôi khi chúng ta sử dụng tông giọng, mức độ lên/xuống để thể hiện mình đang buồn, vui, giận giữ, băn khoăn. Ví dụ, khi bạn nói “she’ married” với “intonation” đi xuống ở cuối câu, có nghĩa là “cô ấy cưới rồi”. Còn khi bạn lên giọng, có nghĩa “cô ấy cưới chồng á?”.

Ngữ điệu có các nguyên tắc chung, như “wh question” thì ngữ điệu thường đi xuống ở cuối, “yes/no question” thì ngữ điệu đi lên. Ngữ điệu có thể được sử dụng để biểu đạt cảm xúc của người nói, hoặc thể hiện ẩn ý của người nói do đó giúp bạn giao tiếp hiệu quả hơn bằng tiếng Anh.

6. Giảm âm, nói tắt, nuốt âm, biến âm

Giảm âm (reduction): là việc người nói tiếng Anh giảm bớt các nguyên âm thành âm nhẹ hơn (âm “unstressed schwa”) để việc nói trở nên dễ dàng.

Ví dụ, trong câu: I sit in the park and eat an apple with my friend, thì các từ in, and, an, with, mặc dù có các IPA tương ứng là /ɪn/, /ænd/,/æn/ /wɪθ/ với các nguyên âm là /ɪ/ và /æ/, nhưng đều có thể bị biến thành âm /ə/, cụ thể đọc thành: I sit /ən/ the park /ən/ eat /ən/ apple /wəθ/ my friend.

Việc giảm âm có thể thấy rõ ràng khi người bản xứ nói tiếng Anh. Đây là 1 kỹ năng rất quan trọng nếu bạn muốn nói lưu loát.

Nói tắt (contraction): will not = won’t; do not = don’t; I am = I’m; I will = I’ll được gọi là nói tắt. Việc liên kết các từ như vậy sẽ gây khó khăn nhiều cho người nghe nếu không quen, do đó bạn cấn học và biết cách nói tắt để nói tiếng Anh hiệu quả hơn.

Nuốt âm (elison): Có nhiều trường hợp âm bị nuốt, ví dụ, âm /t/ trong cụm /nt/ (count on me = coun-on me); âm /h/ (I love her = I lover); âm /t/ trong “costs” (It costs $20 = It cos $20).

Nối âm, biến âm (liaison, assimilation): Tất cả người bản ngữ nói tiếng Anh đều nối âm, do họ đều nói tiếng Anh lưu loát và trôi chảy. Có 3 dạng nối âm, phổ biến nhất là nối phụ âm – nguyên âm: I have a book (hav-a); nối phụ âm – phụ âm, ví dụ như business school = bussiness-school (nối âm “s” của 2 từ với nhau); nối nguyên âm có 2 trường hợp là đệm thêm âm /j/ ở giữa: I ask (ai-y-æsk); hoặc âm /w/ ở giữa: go up /gou-w-ʌp/.

Biến âm là hiện tượng một âm ảnh hưởng tới âm còn lại, làm nó biến đổi đi. Ví dụ, “good morning” đôi khi nghe thành “goob-morning”, hoặc “what did you do?” nghe thành “what di-dʒu do?”.

Nguồn: https://vnexpress.net