Năm nay, Bộ GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi (bao gồm cả dữ liệu quét ảnh, các dữ liệu trung gian và kết quả chấm thi cuối cùng); tiến hành “đánh phách điện tử” phiếu trả lời trắc nghiệm để không thấy được đồng thời mối liên hệ giữa thông tin cá nhân và phần bài làm của thí sinh; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng; mọi thao tác trên phần mềm chấm thi được lưu vết, chỉ người có trách nhiệm mới mở để xem/đọc (không sửa được) các thông tin này nhằm hỗ trợ phát hiện các can thiệp trái phép hay gian lận khi sử dụng phần mềm chấm thi.
(Giám thị kiểm tra giấy tờ của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Tùng Nhung)
Việc chấm bài thi tự luận (môn văn) do sở GD-ĐT chủ trì; năm nay cũng quy định chặt chẽ việc cách ly trong khi làm phách, bảo mật số phách; thực hiện nghiêm túc việc chấm 2 vòng độc lập, chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra; yêu cầu ráp phách thủ công ít nhất 20% số bài thi môn văn; tiến hành nhập kết quả chấm tự luận theo 2 vòng độc lập, sau đó đối sánh để đảm bảo không có sai sót khi đó mới cập nhật kết quả chấm thi lên hệ thống phần mềm quản lý thi; căn cứ kết quả phân tích dữ liệu thống kê kết quả thi của các địa phương, trong trường hợp cần thiết sẽ chấm thẩm định các bài thi.
Kiểm tra công tác chấm thi THPT quốc gia ở các địa phương mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu tất cả các khâu của công tác chấm thi phải được thực hiện đúng quy chế, đảm bảo an toàn, nghiêm túc và trung thực. Đối với các bài thi tự luận, trước khi giao túi bài thi, các cán bộ chấm thi phải tiến hành bốc thăm phân công túi bài thi đảm bảo tính khách quan, công bằng. Đối với các bài thi trắc nghiệm, phải thực hiện nghiêm túc quy trình chấm thi; cán bộ tham gia chấm thi phải đảm bảo đã nắm chắc quy trình và phần mềm chấm thi, tuân thủ nghiêm túc các thao tác trên phần mềm, tuyệt đối không được để xảy ra bất kỳ sai sót nào dù là nhỏ nhất. Công tác báo cáo, gửi dữ liệu về Bộ GD-ĐT phải thực hiện đúng quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác chấm thi phải thực hiện thường xuyên và đột xuất trong thời gian chấm thi; tuyệt đối không để xảy ra bất kỳ tiêu cực, gian lận hoặc sai sót nào trong quá trình chấm thi làm ảnh hưởng đến tính trung thực, khách quan của kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng lưu ý việc đảm bảo tiến độ chấm thi để hoàn thiện cơ sở dữ liệu điểm thi cả nước; tất cả các địa phương sẽ công bố điểm thi THPT năm nay vào ngày 14-7. Bộ trưởng đề nghị Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện tốt nhất đảm bảo chất lượng và tiến độ của công tác chấm thi. Các điểm chấm thi phải cung cấp đầy đủ điện lưới 24/24 giờ, đồng thời đảm bảo tuyệt đối an toàn các cán bộ tham gia công tác chấm thi. Các phòng lưu giữ bài thi lưu ý công tác an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ. Lực lượng công an phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các điểm chấm thi và địa điểm lưu trữ bài thi 24/24 giờ.
T.Trân
(Nguồn Tuổi trẻ)